Bạn đang suy nghĩ đến việc mua một con máy phim thực sự về chụp thử, nhưng lại nghĩ mình không đủ tiền nuôi nó. Đừng lo lắng quá về ngân sách, có vài dòng máy phim có giá rất phải chăng, nhưng chất lượng thì lại không chê vào đâu được. Dưới đây là 5 chiếc máy rất hợp lý cho người mới hoặc đang có ý nhảy hố vôi, theo ngu ý của mình.
Pentax Spotmatic.
Theo quan điểm của mình thì Pentax Spotmatic và các biến thể của nó là dòng máy phổ biến, giá cả phải chăng & dễ mua nhất trong thị trường máy phim ở Việt Nam. Sản xuất bởi Pentax, nhưng lại sử dụng hệ lens M42 (ngàm ren xoáy, đường kính 42mm) – hệ lens siêu phổ biến.
Pentax Spotmatic là dòng máy full cơ, rất bền bỉ + ổn định, max tốc 1/1000s, pin chỉ dùng cho mục đích đo sáng(nếu có). Nhìn qua thì tốc 1000 có vẻ không đủ lắm cho các bạn thích chụp xóa phông & chơi bokeh với lens khẩu lớn, nhưng với nhu cầu của đa số người chơi máy phim thì là đủ dùng.
Con Spotmatic này lấy nét kiểu hoa dâu, không có nét cắt, nên nhiều người bảo là khó lấy nét cho người mắt kém. Cơ mà mình cũng loạn cận 3.5 độ, nhưng hồi chụp con này thấy rất ít khi lấy nét trượt.
Một ưu điểm nữa của Pentax Spotmatic là siêu rẻ. Tầm 2 triệu – 2.5 triệu là các bạn có thể kiếm một combo máy + lens 50 1.8 để phục vụ nhu cầu nhảy hố vôi rồi.
Canon AE1
Là dòng máy dành cho dân nghiệp dư của Canon, ra đời quãng năm 76, Canon AE1 đã trở thành một trong những con máy bán chạy nhất mọi thời đại vì mức giá quá tốt của nó. Sử dụng hệ ngàm FD của Canon, đo sáng với pin 4LR44 6v, màn trập vải, có thể lấy nét kiểu nét cắt, max tốc 1/1000s, Canon AE1 có thể đáp ứng hầu như tất cả các nhu cầu của một người mới bước chân vào thế giới chụp phim.
Dù không đa dạng như hệ ngàm M42 của Pentax Spotmatic, Canon cũng cung cấp đủ dải lens và đủ mức tiền cho hệ ngàm FD, nên bạn không cần thiết phải lo lắng về việc không tìm được tiêu cự lens yêu thích của mình.
Độ bền cũng là một điều mà nhiều người dùng đánh giá cao ở Canon AE-1, mặc dù đã ngừng sản xuất từ năm 1984, nhưng nhiều máy cho đến nay vẫn hoạt động khá trơn tru cũng như tốc độ màn trập vẫn còn tốt, điểm trừ là đối với một số máy hiện nay phần hệ thống đo sáng có thể không còn hoàn hảo hoặc thậm chí “chết đo sáng”, do pin 4LR44 hiện nay không còn sản xuất, nên phải sử dụng loại pin với điện thế khác, gây ra vài sai lệch nhỏ nhỏ khi đo sáng – Cái này có thể khắc phục bằng cách sử dụng app đo sáng cho máy phim trên điện thoại di động
Nikon FM
Đã nhắc đến Canon thì không thể không nhắc đến Nikon, và đại diện của Nikon lần này là chiếc Nikon FM, anh cả trong series FM của Nikon (FM/FM2/FM3…). Lý do chọn FM thay vì FM2/FM3 thì là vấn đề tài chính. Giá của một em FM2 đẹp giờ cũng phải tầm 3.5->4.5 triệu, ngoài tầm với của khá nhiều người. FM3 thì còn kinh khủng hơn nữa.
Tuy nhiên, đắt thì xắt ra miếng. Không phải tự nhiên mà riêng cái body con Nikon FM cũng có giá 2 -> 2.5M. Max tốc 1/1000s, thiết kế rất rất đẹp, hoạt động bằng cơ, đo sáng pin, sử dụng lens ngàm F. Cũng giống với Canon, hệ lens ngàm F của Nikon cực ngon, trải dài đủ tiêu cự và mức giá. Cùng một tiêu cự 50mm, nếu bạn ít tiền có thể chơi lens E, dư dả hơn thì AI, giàu hẳn thì AIS. Để nhận xét về Nikon thì mình chỉ có thể dùng mấy từ sau: chính xác, bền bỉ, chất lượng tuyệt vời. Chính bản thân mình cũng đang sở hữu một em Nikon FM và không có gì chê bai phàn nàn về nó.
Ngoài những điểm mạnh kể trên, Nikon còn một thứ mà rất nhiều người yêu quý, đó là chức năng chụp chồng phim (multi-exposure) được thiết kế sẵn trên máy, bạn có thể chụp chồng phim chỉ với một nút bấm, chứ không cần cầu kì tua phim, căn chỉnh như trên các dòng máy không hỗ trợ. Chắc chắn là trên Nikon FM có nút multi exposure rồi.
Pentax K1000
Nếu như bạn cảm thấy ấn tượng với những con số bán hàng của Canon AE-1, thì chiếc máy này còn ấn tượng hơn hẳn. Sự đơn giản, mức giá rẻ hấp dẫn đã tạo nên một trong những chiếc máy bền bỉ và bán chạy nhất mọi thời đại, với hơn 3 triệu chiếc máy được tiêu thụ. Pentax K1000 được ví như một “mãnh thú” hoặc “ngựa chiến” vì độ bền cao của nó. Chiếc máy ảnh này được sản xuất từ năm 1976 đến 1997, trở thành 1 trong những máy phim SLR 35 mm có dòng đời sản xuất lâu nhất.
Pentax K1000 có thiết kế hoàn toàn bằng kim loại, sử dụng ống kính Pentax ngàm K và đặc biệt là máy không phụ thuộc quá nhiều vào pin. Chiếc Pentax này hoạt động hoàn toàn bằng cơ, phần pin chỉ để cung cấp cho hệ thống đo sáng. Và tất nhiên khi máy hết pin thì người dùng vẫn có thể tiếp tục chụp bình thường chứ không “kẹt cò” như Canon AE-1 – vốn sử dụng màn trập bằng điện. Cũng không thể đòi hỏi các tính năng như màn trập tốc độ 1/2000s hay 1/4000s, hoặc chụp chồng phim built-in trên K1000. Hãy nhớ đây là một chiếc máy giá rẻ, phục vụ cho số đông.
Dù không đa dạng như hệ ống kính M42 hay hệ ống kính của Canon / Nikon, nhưng chắc chắn bạn cũng sẽ tìm được tiêu cự mình cần từ hệ thống ống kính ngàm K của Pentax.
Olympus OM1
Ứng viên cuối cùng trong list này đến từ Leica Châu Á – Olympus. Cũng như các ứng viên bên trên (trừ cháu AE1), Chiếc Olympus OM-1 là chiếc máy phim full cơ (all-mechanical). Nó cũng được tích hợp hệ thống đo sáng TTL điều khiển kim đo sáng rõ ràng trong gù ngắm.
OM-1 có dải tốc độ từ 1s đến 1/1000s và có mode B. ISO chỉnh được từ 25 đến 1600. Máy không có chế độ chụp tự động, hoàn toàn tùy chỉnh với hỗ trợ báo sáng bằng kim báo hiệu. Hệ thống đo sáng trong khung ngắm này cũng vô cùng giản dị, chỉ có 3 nấc: thừa sáng, đúng sáng và thiếu sáng. Ngoài ra, thiết kế của OM1 và các dòng OM cũng rất đặc trưng: nhỏ gọn, hài hòa.
OM1 có một vấn đề nho nhỏ, là máy sử dụng pin PX625 để đo sáng – Lưu ý là chỉ để đo sáng, hiện nay quá khó tìm và không thể chụp chồng phim chính xác. Tuy nhiên, chất lượng những tấm ảnh mà OM1 mang lại đủ để cho bạn quên đi việc chồng phim kia. Vấn đề đo sáng thì cũng giống như AE1 thôi, chúng ta có thể đo bằng app trên điện thoại mà.
Minolta X700 thì có ổn không hả bác. Mình đang định mua con ấy